Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý mang lại hậu quả khôn lường cho cả mẹ và bé. Nhất là khi những biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ lại không rõ ràng.
Tiểu đường thai kỳ - Dễ gặp ở người thừa cân
Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sản A BV Từ Dũ (TP HCM) định nghĩa đơn giản tiểu đường là một hội chứng liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể, dẫn đến tăng đường huyết do không sản xuất insulin (nội tiết do một loại tế bào của đảo tụy tiết ra nhằm giúp gan dự trữ đường dư, giúp đường huyết giảm sau bữa ăn), sản xuất insulin không đủ hoặc giảm tác dụng sinh học của insulin lên tế bào đích.
Tiểu đường thai kỳ thường gặp ở những người thừa cân, Vậy nên mẹ bầu hãy nhớ, đừng cứ cố nhồi nhét khi mang thai vì nghĩ rằng sẽ giúp cho con.
Tiểu đường thường được chia làm 2 loại: loại 1 (phụ thuộc insulin, xuất hiện ở người trẻ do trong huyết tương không có insulin) và loại 2 (không phụ thuộc insulin, xuất hiện ở người trưởng thành và cần tiết chế ăn uống, tập thể dục trong quá trình điều trị). Do đó, tiểu đường thai kỳ cũng chia làm hai loại:
Loại 1: Trước thai kỳ - tức người đã biết có bệnh trước khi mang thai, đang được theo dõi điều trị
Loại 2: Trong thai kỳ - đái tháo đường do thai gây ra.
Tiểu đường tahi kỳ loại 2 do thai gây ra là tình trạng biến dưỡng đường vốn bình thường trước khi mang thai trở nên rối loạn trong thai kỳ và trở về bình thường sau sinh khoảng 6 tuần. Sự rối loạn biến dưỡng này gây nên bởi ảnh hưởng của các nội tiết thai kỳ như progesteron, estrogen, hPL (human placental lactogen)…
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết nhóm người có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ nhiều nhất là những phụ nữ béo và có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý khi mang thai. “Những người thừa cân thường được khuyến cáo là không nên tăng quá 8 kg khi mang thai. Nếu thừa cân quá nhiều thì không cần tăng cân vẫn được. Tuy nhiên, tuyệt đối không được giảm cân bởi ép cân khi mang thai rất nguy hại” - BS Thông cho biết.
Trong khi đó, BS Hà lưu ý thêm rằng: “Ăn dồ ngọt quá nhiều hay thiếu cân khi mang thai cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn chuyển hóa, dẫn tới tiểu đường. Tăng cân quá nhanh do ăn nhiều đồ ngọt không hợp lý, quá béo cũng là yếu tố nguy cơ. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng nên được tham khảo bởi các chuyên gia, những người có tiền căn tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước, từng sinh con trên 4 kg, tăng trọng nhanh trong thai kỳ, ít vận động thể lực, có các bệnh đi kèm như tim mạch, cao huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang… cũng nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh”.
Biểu hiện của chứng tiểu đường thai kỳ không rõ ràng
Chị Nguyễn Bảo Quyên, T.Xuân Soạn, Hà Nội, rất lo lắng vì bất ngờ phát hiện mình mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai ở tuần thứ 35. “Tôi không biết bà bầu có thể mắc chứng tiểu đường khi mang thai, trước nay, tưởng chỉ người già mới bị bệnh này thôi. Ngay cả khi thấy thích uống nhiều nước, thích ăn ngọt, đi tiểu nhiều… tôi cũng không nghĩ đến là mình mắc bệnh. Lần khám thai định kỳ mới đây, bác sĩ bảo làm xét nghiệm thì tôi mới biết mình mắc bệnh tiểu đường”, chị chia sẻ.
Không dễ gì phát hiện bện tiểu đường thai kỳ nếu mẹ bầu cứ chủ quan
Sau 1 tuần điều trị và áp dụng chế độ dinh dưỡng theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ Khoa nội tiết- Đái tháo đường, BV Bạch Mai, chỉ số đường huyết của chị Quyên đã giảm. Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy lo lắng vì khi phải ăn theo chế độ của người bệnh tiểu đường, sợ không đủ chất cho em bé trong bụng mẹ. Chị Quyên tâm sự: “Trước đây, tôi thường ăn nhiều hoa quả, mỗi bữa ăn từ 2-3 bát nhưng bây giờ theo chỉ dẫn thì mình chỉ ăn được hoa quả nhạt như ổi, và mỗi bữa chỉ lưng bát… Nên tôi lo cho con lắm, đến thức ăn nuôi mình còn có vẻ không đủ lắm thì lấy đâu dưỡng chất để nuôi con…”.
“Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất nhiều phụ nữ mang thai chỉ phát hiện bệnh khi đi khám thai định kỳ và được làm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên khoa”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng Khoa nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai, cho ahy.
Tiểu đường thai kỳ - Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con
BS Thông khuyến cáo: “Người bị tiểu đường thai kỳ cần phải được điều trị với sự liên kết của BS sản khoa và BS nội tiết. Nếu chỉ lo cho thai mà không điều trị tiểu đường thì sẽ gây ra nhiều nguy hại cho cả mẹ lẫn con. Nhưng, nếu chỉ chuyên tâm vào điều trị tiểu đường mà không thông báo rõ tình trạng mang thai với BS và không theo dõi sát sao, rất có thể thai nhi sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình điều trị”.
Chế độ dinh dưỡng trong thay lỳ là một điều hết sức đáng lưu ý. Ăn quá nhiều hoa quả cũng có thể dẫn đến bênh tiểu đường thai kỳ.
Theo BS Hà, có rất nhiều nguy cơ với thai nhi khi mẹ mắc chứng bệnh này. Ảnh hưởng của bệnh đối với mẹ bao gồm: Nguy cơ tiền sản giật, sản giật tăng gấp 4 lần; nhiễm trùng sẽ dễ xảy ra và thường nặng hơn so với các mẹ khác, nhất là viêm, bể thận; thai to có thể dẫn đến sang chấn lúc sinh; tỉ lệ phải mổ lấy thai cao hơn, đồng nghĩa nguy cơ do phẫu thuật mang lại cũng tăng lên; dễ băng huyết sau sinh; tăng nguy cơ rối loạn tuần hoàn và hô hấp vì tỉ lệ thai to và đa ối tăng…
Thai nhi cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ: Nguy cơ dị tật bẩm sinh, tiểu đường về sau; nguy cơ thiểu năng tâm - thần kinh; thai to dễ bị sang chấn như gãy xương đòn, trật khớp vai; dễ suy hô hấp do insulin tăng cao làm kháng corticoids, dẫn đến giảm chế tiết surfactans, giảm sự trưởng thành của phổi; dễ bị rối loạn chuyển hóa sau sinh như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, tỉ lệ tử vong chu sản tăng 2-5 lần…
Theo BS Thông, hội chứng này còn có khả năng làm tăng nguy cơ sẩy thai, thậm chí dẫn đến hiện tượng thai chết lưu muộn (trên 32 tuần), ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của thai phụ.
Tiểu đường thai kỳ có thể bị duy trì sau giai đoạn thai nghén và trở thành tiểu đường type 2 sau này. Do đó, người bị bệnh nên có chế độ tiết chế ăn uống và vận động thể lực hợp lý khi mang thai và sau khi sinh.
Những bài viết liên quan đến tiểu đường thai kỳ:
xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không
tiểu đường thai kỳ ăn gì
biểu hiện tiểu đường thai kỳ