Trẻ bị sốt là tình huống thường gặp song không phải bậc cha mẹ nào cũng có hiểu biết đúng về cách trị bệnh cho con.
Trẻ bị sốt thường mệt mỏi, cơ thể khó chịu dẫn đến cáu kỉnh, quấy khóc. Tuy nhiên sốt không phải là bệnh mà là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại những viêm nhiễm. Đa phần sốt không kèm các triệu chứng khác không gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên các mẹ vẫn cần chú ý chăm sóc để trẻ hạ sốt và cảm thấy dễ chịu, ăn ngon, ngủ tốt hơn.
Để chăm sóc con một cách tốt nhất và tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra khi trẻ bị sốt, các mẹ hãy lưu ý 6 nguyên tắc “vàng” dưới đây nhé.
1. Đừng vội cho bé dùng thuốc kháng sinh
Trẻ bị sốt không cần dùng kháng sinh, kể cả khi bé bị sốt cao 38-39 độ C. Thông thường bé chỉ cần uống thuốc hạ sốt có paracetamol. Chỉ định và liều lượng cần phải tham khảo bác sỹ chuyên môn. Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ bé bị sốt siêu vi, sốt do vi khuẩn gây nên.
2. Cho bé uống nước và ăn những thực phẩm tươi
Cần cho trẻ uống nước để bù đắp lượng nước đã mất. Nên bổ sung cho trẻ dưỡng chất từ trái cây, nên ăn các loại quả giàu vitamin C như: Cam, bưởi, quít… hay trái cây mềm như: bơ, chuối, đu đủ…
Khi trẻ bị sốt, tăng cường cho bé ăn nhiều trái cây tươi, nước ép hoa quả, thực phẩm mềm, loãng để bé dễ tiêu và tăng sức đề kháng của bé. Đối với trẻ nhỏ chưa uống được nước ép trái cây, nên cho bé uống nhiều sữa để tránh bị mất nước.
3. Nếu trẻ bị nôn mửa và tiêu chảy
Trường hợp trẻ bị sốt kèm theo triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đừng cố ép trẻ ăn. Thay vào đó, cho trẻ uống thật nhiều nước. Ngoài ra uống nước bù điện giải, nước muối loãng cũng giúp trẻ không bị mất nước do tiêu chảy.
Sau khi trẻ bị nôn, tuyệt đối không cho trẻ uống nước hoặc bất kỳ thực phẩm nào khác. Chờ ít nhất 30 phút mới cho trẻ ăn.
4. Hạ sốt cho trẻ
Cách hạ sốt tự nhiên, an toàn và hiệu quả nhất mẹ có thể áp dụng là dùng khăn mềm ấm đắp trên trán trẻ, hoặc lau khăn ở những vùng như cổ, nách, bẹn. Khi trẻ bị sốt, các mẹ cũng nên để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm, không cởi hết đồ của trẻ.
5. Bổ sung men vi sinh vào chế độ ăn của bé
Để hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện khả năng miễn dịch, khi trẻ bị sốt mẹ có thể cho bé ăn sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn. Chú ý số lần tiểu tiện của trẻ, nếu trẻ không tiểu tiện trong vòng 5-6 giờ, mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc nước bù điện giải vì bé đang bị mất nước.
6. Theo dõi các triệu chứng khác
Nếu trẻ chỉ bị sốt và vẫn ăn ngủ bình thường thì mẹ không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên nếu bé sốt quá 3 ngày, kết hợp tiêu chảy và nôn 5-6 lần/ ngày, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện. Bé sẽ được xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.
Trong mọi trường hợp khi trẻ bị sốt, người mẹ luôn cần bình tĩnh để chủ động, phán đoán và xử lý tình huống nhé.