Được làm mẹ là một niềm vui vô bờ bến đối với chị em phụ nữ. Quá trình mang thai tuy khó khăn và vất vả nhưng cũng là khoảng thời gian rất hạnh phúc. Tuy nhiên, tâm sinh lý của mẹ bầu thay đổi có thế dẫn đến những thái độ tiêu cực và gây ra bệnh trầm cảm
Các triệu chứng của trầm cảm khi mang thai
Mỗi mẹ bầu sẽ có một sự thay đổi tâm trạng khác nhau nhưng cũng có một số thay đổi phổ biến trong cảm xúc của mẹ khi mang thai, như thay đổi tính cách, lo lắng,nhạy cảm… Vấn đề mà mà bầu cần hiểu là những thay đổi nào trong tâm trạng thì nằm ngoài những biến đổi thông thường?
Nếu có các triệu chứng sau đây, rất có thể mẹ đã rơi vào tình trạng trầm cảm khi mang thai:
• Không có khả năng tập trung và khó nhớ.
• Khó đưa ra quyết định.
• Qúa lo lắng trong thai kỳ hoặc lo lắng về tương lai làm mẹ của mình.
• Cảm thấy tê liệt cảm xúc.
• Thường cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh.
• Gặp những vấn đề về giấc ngủ không liên quan đến mang thai như thường mộng du, ác mộng…
• Cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
• Luôn luôn thèm ăn và ăn quá nhiều hoặc chán ăn không muốn ăn bất cứ thứ gì
. • Giảm cân hoặc tăng cân không liên quan đến thai kỳ.
• Mất hứng thú tình dục.
• Không có gì thú vị hoặc cảm thấy vui nữa, kể cả việc mang thai.
• Cảm thấy như thất bại, cảm giác tội lỗi.
• Nỗi buồn dai dẳng.
• Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi mang thai
Sự thay đổi hocmon trong thai kỳ có thể là nguyên nhân góp phần dẫn đến trầm cảm. Nội tiết tố thay đổi làm cảm xúc của mẹ bầu thay đổi theo chiều hướng mạnh hơn với các vấn đề hay nói cách khác mẹ bầu thường nhạy cảm hơn đối với những điều xung quanh.
Thế nhưng, thay đổi nội tiết tố không phải là yếu tố trực tiếp dẫn đến trầm cảm khi mang thai. Một số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, hoặc họ chưa sẵn sàng mang thai trong thời điểm hiện tại, hoặc việc mang thai mang lại cho họ quá nhiều phiền toái trong cuộc sống như những vấn đề về mối quan hệ, công việc, tài chính…cũng sẽ dẫn đến tình trạng bệnh này. Cũng có những mẹ bầu cảm thấy không chắc chắn về vai trò mới của mình, nỗi lo sợ về mang thai, cũng như làm thế nào để họ sẽ đối phó với việc sinh nở hoặc có một vài người cảm thấy không hài lòng về những đặc điểm của thai nhi mà họ đang mang như cân nặng, giới tính… điều đó góp phần làm tăng hiện tượng trầm cảm trong thai kỳ.
Ngoài ra còn một vài yếu tố khác dẫn đến trầm cảm khi mang thai như:
Mẹ bầu hoặc người trong gia đình mẹ bầu có người đã từng mắc bệnh trầm cảm: Nếu trong gia đình mẹ có người đã từng mắc bệnh trầm cảm hoặc trước thời gian mang thai chính người phụ nữ đó đã từng mắc bệnh trầm cảm thì họ có thể có nhiều khả năng bị trầm cảm.
Những mối liên hệ với người xung quanh: Nếu trong mối quan hệ với chồng, với người thân trong gia đình gặp khó khăn, mâu thuẫn hoặc việc mang thai của người phụ nữ không được sự đồng tình, quan tâm, giúp đỡ của người thân đặc biệt là chồng thì người phụ nữ rất dễ bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai.
Cuộc sống xảy ra nhiều sự kiện gây căng thẳng: Trong thời gian mang thai nếu cuộc sống của mẹ bầu có nhiều sự kiện gây căng thẳng và kéo dài như chuyển nhà, xây nhà, mất mát người thân, mất việc làm, ly hôn… có thể tạo nên chứng trầm cảm.
Vấn đề xảy ra với thai nhi: Một thai kỳ khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh trầm cảm như thai nghén xảy ra quá nhiều triệu chứng khó chịu, động thai, thai nhi phát triển chậm…
Vô sinh hoặc sẩy thai trước đó: Nếu mẹ bầu đã trải qua những khó khăn cố gắng để có thai, hoặc đã bị sẩy thai trong quá khứ, họ có thể luôn lo lắng về sự an toàn của thai kỳ này.
Ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai
Chứng trầm cảm khi mang thai ngoài việc gây ra những hậu quả không tốt với mẹ thì đối với thai nhi chứng trầm cảm có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai nhi phát triển không tốt, sau khi sinh có thể thai nhi gặp phải một số chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển.
Điều gì sẽ xảy ra đối với thai phụ bị trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm khi mang thai không có nghĩa là mẹ sẽ có trầm cảm sau khi sinh, tuy nhiên khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nghiêm trọng trong khi mang thai tiếp tục phát triển bệnh trầm cảm sau sinh. Điều trị trong thời gian mang thai có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm sau khi sinh phát triển đáng kể. Việc đưa ra một mạng lưới hỗ trợ của gia đình, bạn bè, bác sĩ, và bác sĩ trị liệu và các nhóm hỗ trợ trước khi sinh sẽ làm cho thời kỳ sau sinh dễ dàng hơn nhiều.
Điều trị trầm cảm tiền sản
Đối với những mẹ bầu bị trầm cảm cần được điều trị càng sớm càng tốt. Cần cho mẹ bầu được giãi bày tâm sự với một người đáng tin cậy như người bạn thân, gia đình, kêu gọi mọi người xung quanh tích cực hỗ trợ mẹ bầu vượt qua những khó khăn này. Người có vai trò quan trọng nhất trong việc điều trị trầm cảm cho mẹ bầu chính là chồng, khi phát hiện vợ có dấu hiệu trầm cảm trong thai kỳ thì người chồng cần quan tâm đến vợ nhiều hơn, chia sẻ với vợ, tìm cách giúp vợ vượt qua khó khăn.
Nếu mẹ bầu có mắc chứng trầm cảm thì đừng nên quá lo lắng . Trầm cảm kho mang thai không phải là bệnh hiếm gặp ở mẹ bầu. Việc trước mắt của mẹ là cần nghỉ ngơi, thư giãn, tốt nhất mẹ nên nghỉ làm trong thời gian này. Nếu mẹ bầu mắc chứng trầm cảm mà không có người xung quanh để giúp đỡ hoặc sự giúp đỡ của người thân không đem lại hiệu quả thì mẹ nên gặp bác sỹ tâm lý để được sự tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.