Trẻ sơ sinh rất non yếu và nhạy cảm, cần có sự chăm sóc đặc biệt. Để chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách, cần có những kiến thức nhất định về các hiện tượng, các bệnh thường gặp ở trẻ để có cách xử trí thích hợp. Nhưng điều quan trọng nhất đó là sự thích nghi của mẹ. Nếu mẹ biết cách thích nghi tốt thì sẽ chăm sóc bé một cách chu đáo nhất.
Cùng theo dõi phần tiếp theo của Vượt qua thử thách "những ngày đầu bên con" cùng mẹ bầu mới sinh nhé.
1. Lần đầu tắm cho bé
Chắc hẳn nhiều bố mẹ mới rất lo lắng khi lần đầu tiên tắm cho bé, nhỡ đâu mình trượt tay thì sao?!
Cách thích nghi:
Thư giãn và tắm bé thật chậm rãi. Bạn cần phải vệ sinh sạch sẽ và kỹ lưỡng khu vực xung quanh dây rốn của bé. Bạn giữ dây rốn bé càng khô thì thời gian rụng sẽ càng sớm. Nên lau người bé nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Hơn nữa, nếu bé của bạn là trai và đã được cắt bao quy đầu, bạn sẽ cần chờ cho tới khi vết thương của bé lành hẳn mới cho bé vào tắm trong chậu nước.
Chuẩn bị sẵn tất cả những vật dụng cần thiết trong tầm tay của bạn, điều này giúp bạn có thể giữ bé trong tay mọi lúc. Sau đó đặt bé vào một chiếc khăn sạch và nhẹ nhàng lau rửa toàn thân cho bé với một chiếc khăn ấm và sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh.
2. Hồi phục sức khỏe sau khi sinh
Bạn đã có sự chuẩn bị gì cho những cơn đau có thể xảy ra sau khi sinh và những mệt mỏi sau đó hay chưa?
Cách thích nghi:
Những gì bạn đang trải qua là hoàn toàn bình thường, thậm chí ngay cả khi bạn chưa từng nghe ai nói về chúng từ trước. Dần dần cơ thể bạn sẽ hồi phục và bạn sẽ lấy lại sức khỏe của mình. Trong khi chờ sức khỏe hồi phục, nên nhờ một thành viên trong gia đình chăm sóc bạn hoặc ít nhất bạn phải nghỉ ngơi và đảm bảo không gắng gượng quá sức.
Mẹo cho mẹ: Trao đổi trước với chồng về việc bạn cần được nghỉ ngơi sau khi sinh và nhờ những người khác trong gia đình nấu ăn và dọn dẹp giúp bạn.
3. Thay tã cho bé
Chú ý theo dõi tất cả màu sắc hiển thị trong phân của bé. Phân thải ra trong lần đi tiêu đầu tiên được gọi là phân su, có màu đen và đó là những chất bẩn còn sót lại khi bé còn trong bụng mẹ. Khi bé bú sữa một thời gian, phân sẽ thay đổi từ màu nâu sang màu xanh, rồi màu vàng nhạt. Đừng nghĩ rằng phân trong thời gian này sẽ cứng. Không có chất gì trong phân bé trong vài tháng đầu tiên nên phân sẽ rất mềm.
Tới ngày thứ tư sau khi sinh, bé có thể tè ướt từ bốn đến tám tã một ngày, ị ba đến sáu lần một ngày, và bắt đầu tăng cân. Nếu bạn nhìn thấy màu đỏ trong phân, cần gọi ngay cho bác sỹ. Đây có thể là máu. Nếu phân không màu, cũng nên gọi ngay cho bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn.
4. Canh giờ cho bé bú
Bé cần được bú liên tục, các lượt bú cách nhau khoảng từ 1 đến 4 giờ.
Cách thích nghi:
Bạn sẽ phải ngồi yên một chỗ trên ghế hoặc giường trong khi bé đang bú, vì vậy nên tạo chỗ ngồi thật thoải mái và êm ái.
Mẹo cho mẹ: Một số cách bạn có thể thử: chuẩn bị sẵn những cuốn tạp chí hoặc remote TV, thức uống cùng đồ ăn vặt bên cạnh bạn khi cho bé bú.
5. Giữ được tỉnh táo
Thiếu ngủ, khó chịu về thể chất và sự thay đổi hormone, ngay cả những người mẹ hăng hái nhất đều cảm thấy đuối sức khi bé chào đời.
Cách thích nghi:
Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên . Quyết định xem việc gì là quan trọng nhất đối với bạn, ví dụ như học cách cho con bú, ngủ, ôm ấp bé và tập trung vào những việc đó. Sau đó, để cho những việc khác diễn ra tự nhiên. Ngay cả việc cứ để nhà cửa bừa bộn một chút cũng không sao!
Mẹo cho mẹ: Một cách khác có thể giúp bạn tỉnh táo: đi dạo bên ngoài mỗi ngày. Chỉ cần nhìn thấy mặt trời và hít thở không khí trong lành là đủ để bạn cảm thấy tâm trạng tốt hơn nhiều.
Tinh thần trì trệ? Nên nhớ rằng việc cảm thấy mệt mỏi hay chán nản trong vài tuần lễ đầu sau khi sinh là hoàn toàn bình thường. Chỉ cần chắc chắn rằng gia đình bạn hiểu về tình trạng của bạn và giúp đỡ bạn trong lúc cần thiết nếu cảm xúc buồn bã hay trầm cảm kéo dài hơn hai tuần đầu tiên.
Những vật dụng cần thiết trong tuần đầu tiên
Bạn đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết cho bé như chăn quấn, tã, và quần áo? Thế bạn đã chuẩn bị cho mình những gì? Đây là những vật dụng bạn nên chuẩn bị cho bản thân.
Bình nước: Cung cấp đầy đủ nước trong người rất quan trọng và có thể bạn sẽ không có năng lượng để đi vào bếp để lấy nước uống. Nên chuẩn bị một bình nước ở ngay bên cạnh bạn.
Gối chèn: Tạo sự thoải mái cho cơ thể với thật nhiều gối, gối tựa lưng có thể giảm bớt áp lực trên xương cụt hoặc gối thông thường để chống đỡ và lót đệm khi cần thiết.
Đồ ăn vặt: Bạn sẽ cần nó để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Băng vệ sinh: Sau khi sinh, bạn có thể bị chảy máu tử cung trong vài tuần.
Dung dịch vệ sinh: Bạn có thể tìm mua tại các nhà thuốc. Ngâm trong 15 phút hoặc lâu hơn để làm giảm cơn đau của vết khâu hoặc bệnh
Miếng lót với chiết xuất cây phỉ: Chất này giúp se vết thương, làm giảm sưng và đau ở đáy chậu và làm giảm bớt cơn đau của bệnh trĩ. Thêm nó vào nước ngâm chứa dung dịch vệ sinh hoặc lót nó cùng với băng vệ sinh. Để có cảm giác mát lạnh, bạn có thể đặt miếng lót này vào trong tủ lạnh.
Chai xịt: Nếu bạn không thích dùng dung dịch vệ sinh, bạn có thể dùng loại chai xịt để nhẹ nhàng lau chùi âm hộ.
Kem thoa núm vú: Khi núm vú bị đau và nứt, kem thoa núm vú sẽ giúp bạn đỡ khó chịu.
Miếng đắp ngực: Để giảm đau ngực khi căng sữa, lấy hai miếng tã lót sơ sinh thấm nước và để trong ngăn đá. Sau đó đặt những miếng tã đó vào trong áo ngực của bạn giữa những cữ bú trong vòng 20 phút.